Trong một quán cà phê nhỏ trên đường Thi Sách (Hà Nội), Nguyễn Đình Nam, 29 tuổi, đang cùng vợ bàn kế hoạch du lịch đón năm mới. Năm nay là năm thứ 4, họ cùng nhau đi chơi xa đúng dịp đặc biệt này.
“Năm ngoái, chúng tôi đi Sa Pa (Lào Cai). 2 ngày ở đây thực sự mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Năm nay, nghỉ dài hơn nên chúng tôi dự định đi Nha Trang (Khánh Hòa)”, anh Nam nói.
Người đàn ông này cho biết vợ chồng anh chọn địa điểm này vì có biển ở phía đông. Nếu dậy sớm, họ có thể cùng nhau ngắm cảnh mặt trời mọc đầu tiên trong năm.
“Cảm giác đón năm mới ở một nơi xa lạ bên cạnh những người thân yêu thực sự khiến tôi thấy phấn khích. Tôi hy vọng cảm giác này sẽ kéo dài suốt cả năm”, anh Nam chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ dịp nghỉ cuối năm để xả stress. Ảnh: @thaosut, @phanhlee90. |
Ngoài mục đích “xả hơi” sau quãng thời gian dài học tập và làm việc căng thẳng, nhiều người cho rằng những chuyến đi chơi là dịp để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn và đôi khi là cơ hội để hóa giải những khúc mắc.
“Ngày thường, những đứa trẻ đi học. Vợ chồng tôi ai cũng bận việc của riêng mình. Đến cuối tuần, chúng tôi khi phải đi công tác, lúc bận chuyện họ hàng. Con cái gửi ông bà chăm. Mọi người cùng sống trong một căn nhà nhưng cũng chẳng mấy khi nói chuyện cùng nhau”, anh Trần Minh Trung, 35 tuổi, nói.
Xu hướng đi trong nước và ngắn ngày
Thực tế, những người có dự định như anh Nam và anh Trung không phải là ít. Theo dự kiến, hàng triệu chuyến du hành của người Việt sẽ diễn ra trong 4 ngày nghỉ. Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành khẳng định con số năm nay tăng trưởng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Những điểm đến cũng đa dạng hơn.
Trao đổi với Zing.vn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc công ty du lịch Transviet, cho biết kỳ nghỉ dài hơn mọi năm cùng thời tiết thuận lợi là hai trong số những lý do khiến lượng khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch tăng.
“Xu hướng năm nay, du khách tập trung đi du lịch ngắn ngày trong nước. Tại miền Bắc, những địa điểm yêu thích là Sa Pa, Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La) và Mai Châu (Hòa Bình)”, ông Đạt thông tin.
Bên cạnh đó, một số điểm đến mới nổi lên trong năm nay là hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng), Pù Luông (Thanh Hóa). Ngoài ra, nhiều gia đình lựa chọn nghỉ dưỡng và thay đổi không khí trong những resort ở Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Ninh Bình.
Trong khi người miền Bắc thích “lên rừng”, người miền Nam lại “xuống biển”. Ảnh: @dat.918, @ye.rann99._ |
Giải thích hiện tượng du khách thích “lên rừng”, ông Đạt nhận định: “Tâm lý người dân muốn đi biển vào dịp hè nên ít chọn đi biển trong đợt này. Tuy nhiên, thực tế có thể thay đổi trong tương lai, khi số lượng đi du lịch trong năm của người dân ngày càng tăng”.
Tại miền Trung và miền Nam, du khách lựa chọn đến các vùng biển ấm như Nha Trang, Phan Thiết (Bình Thuận) và Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc đi Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trong khi đó, bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông công ty du lịch Vietrantour, cho biết những điểm đến hàng đầu ở nước ngoài khiến du khách chú ý là Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Dubai, châu Âu và Trung Quốc.
“Ngoài những màn trình diễn chào mừng năm mới 2019 hoành tráng, du khách còn có thể thoải mái mua sắm hàng giảm giá cuối năm, vốn rất thu hút khách Việt”, bà Quyên chia sẻ.
Đối tượng chọn điểm đến nước ngoài trong đợt này thường là khách hàng trẻ và những người có thu nhập cao. Những du khách chọn tour du lịch trong nước đa phần là nhóm đi theo gia đình nhiều thế hệ và không thể chọn tour nước ngoài do thiếu visa hoặc hết chỗ.
Giá dịch vụ trong nước dịp Tết Dương lịch tăng nhẹ
Theo ông Đạt, trong dịp Tết Dương lịch năm nay, chi phí đi quốc tế sẽ tăng nhiều hơn so với đi nội địa do giá cả dịch vụ trong nước không tăng nhiều bằng nước ngoài.
“Đa phần các nước trên thế giới đón Tết Dương, thậm chí coi đây là Tết chính”, ông giải thích.
Đối tượng khách chọn điểm đến ở nước ngoài thường là các bạn trẻ và những người có thu nhập cao. Ảnh: @jung_dh, @vngo.vn. |
Trong nước, giá cả tăng nhẹ. Cụ thể, giá phòng chỉ tăng 10-20%. “Tuy nhiên, nhiều khách sạn và resort cao cấp yêu cầu khách đặt phòng phải tham gia Gala Dinner”, ông Đạt nói.
Sự kiện này gồm tiệc buffet và chương trình ca múa nhạc, có thể mời ca sĩ nổi tiếng. Song, chi phí rất cao, đôi khi lên đến cả triệu đồng với mỗi khách. Nếu không tham gia, khách sạn không đồng ý cho khách đặt phòng.
“Do đó, nhiều khi giá phòng tăng không nhiều nhưng số tiền phải bỏ ra để tham dự gala khiến chi phí bị đội lên”, ông Đạt thông tin.
Hầu hết du khách dự định đi du lịch trong những ngày nghỉ Tết Dương đã lên lịch từ sớm. Hiện tại, vé máy bay trong dịp này không còn nhiều và chủ yếu là vé giá cao, đặc biệt với các chuyến bay giờ đẹp trên những “đường bay vàng” như Hà Nội – Đà Lạt, Hà Nội/TP.HCM – Đà Nẵng, Hà Nội – TP.HCM. Một số chặng thậm chí hết vé.
Với xe khách, hiện tại, các bến xe lớn ở Hà Nội và TP.HCM đã lên phương án tăng cường xe, đặc biệt với những chặng ngắn khoảng 200-400 km. Giá vé dự kiến tăng từ 40-60% so với ngày thường.
Cụ thể, bến Mỹ Đình tăng cường 55 lượt xe cho dịp Tết Dương lịch với các chặng đi Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng…
Tương tự, bến xe Miền Đông, Miền Tây (TP.HCM) tăng cường xe cho các chặng ngắn và trung bình như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang và các tỉnh miền Tây.
Theo zing.vn