VIỆT NAM ĐẸP KỲ VĨ NHÌN TỪ TRÊN CAO (P1)
Việt Nam đâu chỉ có Hạ Long, phố cổ Hội An, động Sơn Đoòng nổi tiếng thế giới. Các địa danh thác như thác Bản Giốc, vịnh Lan Hạ, Lăng Cô, đèo Hải Vân cũng rất mê hoặc lòng người.
Thác Bản Giốc hùng vĩ ở Cao Bằng
Là một nhiếp ảnh gia, nếu không được sở hữu những tác phẩm phong cảnh những nơi đẹp của đất nước mình thật là chưa phải với nghề. Là một tín đồ khám phá, nếu chưa đi hết các địa danh đẹp Tổ quốc mình chưa nên nhận mình là người đam mê du lịch. Tháng 9/2017, đúng vào mùa đẹp nhất của Cao Bằng, để chụp được những tấm hình này, tôi đã bay từ miền Trung nắng gió ra Hà Nội để ngược về mảnh đất Cao Bằng lịch sử sau những chặng đường dài gian nan vất vả.
16h hôm ấy, khi nắng xiên xiên và gió nhẹ, bóng núi đổ tràn trên cánh đồng, tôi cho chiếc flycam cất cánh từ ruộng lúa gần chân thác. Khi “máy bay” lên đến độ cao 150 m nhìn qua màn hình, cảnh tượng thật sững sờ đối với bất cứ ai nhìn thấy. Những mảng màu xanh vàng và bầu trời xanh hòa quyện cùng sắc trắng của dòng suối tạo nên cảnh sắc tuyệt diệu. Ở vị trí chụp cao nhất là 300 m, lúc này, phong cảnh hùng vĩ, trùng điệp càng hiện ra rõ hơn.
Nằm giáp biên giới Việt – Trung, thuộc địa phận Trùng Khánh (Cao Bằng), Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam, đồng thời là thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Thác có độ cao chừng 70 m gồm 3 tầng với nhiều khối nước lớn đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt qua núi rừng.
Mỗi mùa, thác Bản Giốc mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) dòng thác chảy nhẹ nhàng, yên ả, vào mùa mưa (từ tháng 6-9) thác nước tung bọt trắng xóa, hùng vĩ cuồn cuộn chảy âm vang cả núi rừng.
Vịnh Lan Hạ, điểm đến đẹp nhất của Hải Phòng
Thành phố cảng nổi tiếng của miền Bắc không có nhiều địa danh đi vào lòng người như các điểm đến khác ở miền Trung hay Nam Bộ. Tuy nhiên, vịnh Lan Hạ nằm giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh có một vẻ đẹp rất khác.
Cũng là tháng 9, một buổi chiều nắng rực rỡ, thuyền chở phóng viên tiến vào vịnh Lan Hạ từ đảo Cát Bà. Lúc này điều kiện thời tiết hết sức lý tưởng để chụp hình bởi trời xanh, mây trắng, cảnh sắc trong veo. Nếu bạn muốn mô tả vẻ đẹp vịnh Lan Hạ hay Hạ Long rõ nhất đều cần những góc nhìn từ trên cao. Nhưng việc chọn điểm cất cánh flycam thì không dễ chút nào.
Theo kinh nghiệm của nhiều nhiếp ảnh gia, nếu cất cánh trên bãi biển của một hòn đảo nào đó trên vịnh sẽ dễ xảy ra tình trạng khuất núi dẫn đến mất sóng, mất kiểm soát làm rớt flycam.
Tôi đã chọn phương án cất cánh trên boong trong điều kiện thuyền chạy từ từ trên vịnh để người điều khiển luôn nhìn thấy “máy bay” và làm chủ tình hình.
Khi flycam lên đến độ cao 300 m, toàn cảnh vịnh đã được thu gọn trong ống kính. Các bức ảnh thu thập được vào chiếc thẻ nhớ cũng là lúc thuyền chạy tới cuối vịnh. Suốt cả quá trình chụp ảnh, thần kinh người nhiếp ảnh căng như dây đàn. Nó thực sự là pha cất và hạ cánh công phu và kịch tính, cần có sự hỗ trợ tốt của cả người lái tàu lẫn hoa tiêu.
Vịnh Lan Hạ nằm phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Vịnh này có diện tích hơn 7.000 ha nổi bật với vẻ đẹp ngoạn mục của khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ phủ đầy cây xanh hay thảm thực vật. Nhiều hòn đảo ở đây có bãi cát trải dài dưới chân núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn.
Dưới làn nước trong xanh là những bãi san hô nhiều màu. Những chiếc thuyền nhỏ xinh thấp thoáng giữa làn nước trong như pha lê. Trong vịnh có hơn 200 hộ dân sinh sống trên các ngôi nhà được thiết kế trên phao tạo thành làng nổi có tên Cái Bèo với lịch sử tồn tại hàng nghìn năm.
Sự hòa quyện của cảnh sắc đèo Hải Vân – vịnh Lăng Cô
Du khách thường chọn Lăng Cô làm nơi nghỉ dưỡng mỗi mùa hè. Còn đối với người qua đường, chỉ được ngắm địa danh này qua cửa sổ tàu hỏa, ôtô, thậm chí có dừng lại bên đường thì chiêm ngưỡng cảnh sắc Lăng Cô từ xa và chưa hút hết tầm mắt. Nhưng nếu bạn nhìn từ trên cao, có một Lăng Cô rất lạ, rất quyến rũ.
Thật không sai khi Lăng Cô được bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp của thế giới. Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, nằm ngay dưới chân con đèo Hải Vân huyền thoại. Nơi đây có bờ biển thoai thoải, cát trắng rất mịn mà khi bốc lên bạn sẽ thấy như nhúm bột xay đã nhuyễn. Ngoài ra làn nước xung quanh xanh ngắt, trải dài trên bờ cong đẹp nhất miền Trung.
Sát Lăng Cô là đèo Hải Vân nổi lên trên nền nước biển xanh ngắt, trải dài khoảng 20 km từ Huế đến Ðà Nẵng. Từ hơn 700 năm nay, đèo Hải Vân (hay còn có tên gọi khác là Ải Vân) vẫn luôn được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan”. Đây cũng là một trong những đường đèo đẹp và ấn tượng nhất thế giới. Cảnh quan hai bên đèo mang một vẻ đẹp hoang sơ, bình dị. Nhiều khúc cua uốn lượn, chênh vênh nhưng xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát, núi rừng hùng vĩ và không khí trong lành.
Tháng 8 là mùa đẹp nhất ở Huế, trời ít mưa và nắng rực rỡ. Những tấm hình tại đây được chụp lúc 16h. Tôi đứng trên đỉnh đèo, gần Hải Vân Quan và cho máy bay lên cao 300-400 m, có lúc lên kịch trần 500 m, gió khá mạnh. Nhìn qua màn hình lúc này cả tôi và bạn đồng hành đều sững sờ không tin vào mắt mình. Lăng Cô quá đẹp, trời xanh, biển biếc, từng tảng mây trắng lập lờ như ngay dưới chân mình.
Bức tranh thiên nhiên ở biển Lộc Bình
Nằm cách thành phố Huế hơn 40 km, biển Lộc Bình (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) cuốn hút bởi vẻ hoang sơ, thanh bình hòa quyện giữa sóng biển, bãi đá và bầu trời xanh ngắt.
Phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ thước phim về cuộc sống nơi đây du khách sẽ thấy từ những tia nắng sớm đầu tiên, hình ảnh chiếc thuyền buồm dần hiện lên báo hiệu những mẻ cá của người ngư dân đang cập bờ. Nhịp sống bắt đầu trên bến dưới thuyền, những mẻ cá đầu tiên vào bờ, cá trắng lấp lánh ánh bạc, cá tươi giãy tung bọt nước và nước biển xanh trong tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp đầy màu sắc.
Nét đẹp riêng biệt của biển Cửa Đại
Cửa Đại cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 5 km, nơi con Sông Thu Bồn đổ ra biển lớn suốt ngày đêm. Cửa Đại có một nét đẹp riêng làm say đắm lòng du khách phương xa… Biển Cửa Đại nước trong xanh, cát trắng, đặc biệt càng rực rỡ hơn khi có nắng.
Nơi đây có lòng sông rộng, nhiều bãi cát bồi, nước lợ nên có nhiều loại tôm, cua, cá… tìm về trú ngụ. Có lẽ vì thế mà từ lâu cư dân vùng Cửa Đại đã quen lấy nghề đánh bắt thủy hải sản để làm kế mưu sinh. Cư dân vùng Cửa Đại có nhiều lối đánh bắt cá tôm nhưng độc đáo nhất có lẽ vẫn là lối kéo vó quay, tiếng địa phương gọi là “rớ chồ”. Nghề này không biết có từ bao giờ nhưng hiện nay ở khu vực Cửa Đại có tới hàng trăm chiếc rớ chồ được dựng lên vừa để kiếm cá tôm, vừa tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho vùng cửa biển xứ miền Trung.
Ngày nay, nghề kéo rớ chồ vẫn là hoạt động mưu sinh chính của hàng trăm hộ gia đình sống ở khu vực Cửa Đại. Chính vì vậy mà vào những lúc sáng sớm hay khi hoàng hôn xuống, những chiếc rớ chồ ở Cửa Đại lại lung linh trong ánh nắng và mặt nước mênh mông, tạo nên cảnh đẹp thơ mộng nơi miền sông nước tỉnh Quảng Nam.
Nguồn: zing.vn